Tuesday, January 28, 2014

Tư duy Mỹ

Nhân chuyện bản dịch của anh Phạm Vũ Lửa Hạ được trang Triết học đường phố đăng nhưng không xin phép khiến anh em lời qua tiếng lại. Tôi xin kể một kỷ niệm của mình liên quan với tờ Tuổi Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1997, tôi được Tổng Giám đốc Lâm Hoàng Lộc nhận vào làm việc ở Văn phòng Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu ở thành phố Hồ Chí Minh.  Ông Lộc nói, “Làm cho mình lương không bằng ngân hàng nước ngoài, nhưng chúng ta hãy cùng nhau xây dựng ngân hàng này để sao cho người ta không nói rằng người Việt không biết làm ngân hàng, không biết kinh doanh tài chính.”

Quả thật, do trả lương không thể ra ngoài quy định của hệ thống lương ngân hàng, ông Lộc cũng không hề giao quá nhiều việccho tôi, trái lại ông khuyến khích tôi quan sát hệ thống, thăm các chi nhánh và thi thoảng dịch những bài báo trên các tạp chí nước ngoài để phân phối cho các cấp quản lý ngân hàng đọc.

Hồi đó, tuy nhà nước theo đuổi chính sách mở cửa, nhưng trên khía cạnh văn hóa, báo chí các cơ quan có trách nhiệm liên quan của nhà nước rất chú trọng các vấn đề nhạy cảm trong kinh tế, chính trị và văn hóa.  Các tạp chí như Kinh tế Viễn đông (Far Estern Economic Review); Nhà kinh tế (The Economist); Tuần tin tức (News Week)…thường được xem xét kỹ nội dung trước khi đưa ra phát hành cho công chúng.

Tôi còn nhớ, lúc đó là đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Tôi đã dịch ra tiếng Việt một bài phân tích rất hay trên tờ Tuần tin tức, chỉ ra nguyên nhân khủng hoảng. Tác giả cho rằng, phấn khích trước dòng vốn rẻ, các doanh nhân châu Á đã tiến hành đầu tư một cách vội vã, kết hợp với lòng tham muốn làm giàu sao cho thật nhanh, nên bất chấp kỷ luật tài chính khiếnxảy ra đổ vỡ.  Các nhà lãnh đạo châu Á (điển hình là Thủ tướng Malaysia, Mohamed Mathir) không nên chỉ đổ tội cho các nhà đầu tư tài chính phương Tây mà cũng nên xem xét lại hệ thống quản trị tài chính ngân hàng của mình như câu nói của tiền nhân, “Đi nhanh hay vấp, tham thực cực thân.”

Sáng thứ Bảy, ra sạp báo đầu hẽm mua tờ Tuổi Trẻ, tôi hết sức ngạc nhiên, bản dịch của mình được đăng trong cột Câu chuyện thứ Bảy của tờ báo. Thú thiệt, tôi cũng lấy làm giận vì không thấy tên mình là dịch giả. Không biết lấy ai để giãi bày, tôi gọi cho Rich, một người bạn Mỹ đang dạy tiếng Anh cho trẻ em ở phố Tây Phạm Ngũ Lão. Chưa uống hết ly cà phê, Rich bảo tôi, “Đây là cơ hội cho anh đấy”.  Rồi Rich hướng dẫn tôi viết một là thư cho tòa soạn báo Tuổi Trẻ với lời lẻ khiêm tốn. Thay vì trách móc, dịch giả lại cảm ơn tờ báo đã sử dụng bản dịch của mình. Rich còn khuyên tôi dịch thêm bài báo khác để gửi nhờ đăng báo.

Quả như dự đoán của Rich, bài dịch thứ hai được tòa soạn nhậnvà cho đăng báo. Tôi còn may mắn được Phó Tổng Biên tập tờ báo, ông Huỳnh Sơn Phước đến tận ngân hàng để mời cộng tác. Nhiều năm sau đó, tôi thường xuyên nhận báo biếu hàng tuần vì được xem là cộng tác viên của tờ báo.

No comments:

Post a Comment